Đóng mã số thuế là vấn đề mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần phải quan tâm, nhất là đối với các doanh nghiệp có dự định phá sản, giải thể doanh nghiệp và các doanh nghiệp đang kinh doanh nhưng không hiểu vì sao mã số thuế của mình bị đóng. Bài viết dưới đây, Tam Khoa sẽ giúp bạn giải đáp các vấn đề liên quan tới việc đóng mã số thuế, cùng theo dõi nhé.

Để xem thêm nhiều tài liệu kế toán hay hãy tham gia nhóm Trao đổi – chia sẻ tin tức kế toán với chúng tôi nhé. 

Mã số thuế là gì?

Tax Identification Number là gì? Tax identification number – TIN (Mã số thuế) là một dãy số, chữ cái hoặc ký tự khác do cơ quan quản lí thuế cấp cho một cá nhân, đối tượng, hoặc một tổ chức cụ thể để quản lý thuế tại các quốc gia.

Việc cấp mã số thuế nhằm mục đích nhận biết, xác định cá nhân, đối tượng nộp thuế, theo dõi quá trình nộp thuế được quy định bởi pháp luật và được quản lý thống nhất trên phạm vi cả nước.

Căn cứ khoản 1 Điều 5 Thông tư 105/2020/TT-BTC, mã số thuế có cấu trúc như sau:

N1N2N3N4N5N6N7N8N9N10 – N11N12N13

GIẢI ĐÁP CÁC VẪN ĐỀ VỀ ĐÓNG MÃ SỐ THUẾ
GIẢI ĐÁP CÁC VẪN ĐỀ VỀ ĐÓNG MÃ SỐ THUẾ

Trong đó:

  • Hai chữ số đầu N1N2 là số phần khoảng của mã số thuế.
  • Bảy chữ số N3N4N5N6N7N8N9 được quy định theo một cấu trúc xác định, tăng dần trong khoảng từ 0000001 đến 9999999.
  • Chữ số N10 là chữ số kiểm tra.
  • Ba chữ số N11N12N13 là các số thứ tự từ 001 đến 999.
  • Dấu gạch ngang (-) là ký tự để phân tách nhóm 10 chữ số đầu và nhóm 03 chữ số cuối.

Mã số thuế doanh nghiệp là gì?

Mã số thuế doanh nghiệp (mã số thuế công ty) là một mã số được Cơ quan thuế cấp cho các tổ chức là công ty, doanh nghiệp để thực hiện nghĩa vụ thuế

Bất kỳ một doanh nghiệp nào trước khi đi vào hoạt động chính thức đều phải đăng ký hoạt động kinh doanh, đăng ký Mã số thuế doanh nghiệp và sẽ được cơ quan thuế cấp một mã số thuế duy nhất để sử dụng trong suốt quá trình hoạt động.

Khi doanh nghiệp, tổ chức chuyển đổi loại hình kinh doanh, bán tặng, cho hoặc thừa kế thì Mã số thuế vẫn được giữ nguyên.

Mã số thuế là một phần không thể thiếu khi doanh nghiệp hoạt động, đặc biệt là trong kế toán, quyết toán sổ sách với cơ quan thuế nhà nước. Mã số thuế doanh nghiệp cũng giúp tra cứu thông tin doanh nghiệp một cách dễ dàng trên hệ thống, bao gồm cả ngành nghề kinh doanh cũng như tình trạng hoạt động…

Mã số thuế doanh nghiệp sẽ được tạo, gửi và nhận tự động bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và hệ thống thông tin đăng ký thuế sau đó được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Tại sao doanh nghiệp bị đóng mã số thuế?

Nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh bình thường nhưng vẫn hay gặp trường hợp mã số thuế bị đóng mà không biết lý do vì sao. Dẫn đến việc các doanh nghiệp phải chịu mức phạt rất đáng tiếc. Cập nhật những thông tin về lý do doanh nghiệp bị đóng mã số thuế để không bị vi phạm quy định của pháp luật nhé.

Tại sao bị đóng mã số thuế
Tại sao bị đóng mã số thuế

Những trường hợp Doanh nghiệp bị đóng mã số thuế được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 39 Luật Quản lý thuế 2019 như sau:

– Doanh nghiệp đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh thì thực hiện chấm dứt hiệu lực mã số thuế khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc giải thể, phá sản.

+ Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

+ Bị chia, bị sáp nhập, bị hợp nhất.

– Doanh nghiệp đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế thì thực hiện chấm dứt hiệu lực mã số thuế khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Chấm dứt hoạt động kinh doanh, không còn phát sinh nghĩa vụ thuế đối với tổ chức không kinh doanh.

+ Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép tương đương.

+ Bị chia, bị sáp nhập, bị hợp nhất.

+ Bị cơ quan thuế ra thông báo người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

+ Nhà thầu nước ngoài khi kết thúc hợp đồng.

+ Nhà thầu, nhà đầu tư tham gia hợp đồng dầu khí khi kết thúc hợp đồng hoặc chuyển nhượng toàn bộ quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí.

Bị đóng mã số thuế gây ảnh hưởng thế nào cho doanh nghiệp?

Dưới đây là một số ảnh hưởng đến quá trình kinh doanh của doanh nghiệp khi bị đóng mã số thuế mà doanh nghiệp cần phải lưu ý:

  • Không được xuất hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ (bởi theo theo quy định tại điều 22 Thông tư 39/2014/TT-BTC, hóa đơn của tổ chức, cá nhân đã đóng MST là hóa đơn bất hợp pháp).
  • Không nộp được các hồ sơ thuế , báo cáo thuế
  • Không nộp được báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn
  • Không nộp được thuế qua mạng
  • Bị thu hồi giấy phép kinh doanh (Theo điều 211 luật Doanh nghiệp 2014)

Như vậy, trường hợp người nộp thuế (NNT) bị đóng mã số thuế thì ngoài việc NNT không nộp được báo cáo thuế, nộp tiền thuế qua mạng, bị thu hồi giấy phép kinh doanh thì NNT không thể xuất được hóa đơn khi giao dịch kinh tế.

Làm thế nào để khôi phục khi bị đóng mã số thuế?

Bước 1: Tìm hiểu lý do vì sao cơ quan của bạn bị đóng mã số thuế.

Theo như phân tích nêu trên có 4 nguyên nhân khiến doanh nghiệp phải chấm dứt hiệu lực của mã số thuế tuy nhiên doanh nghiệp chỉ được khôi phục lại mã số thuế khi: 

+ Trường hợp cơ quan thuế đã ban hành thông báo người nộp thuế không hoạt động ở tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh nhưng cơ quan đăng ký kinh doanh chưa ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Khi đó người nộp thuế có quyền ra văn bản đề nghị cơ quan thuế khôi phục lại mã số thuế đã bị đóng và cam kết thanh toán các nghĩa vụ về thuế với cơ quan nhà nước, và nghiêm túc chấp hành việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật về thuế.

+ Trường hợp nếu cơ quan thuế xác định người nộp thuế không thuộc các trường hợp phải đóng mã số thuế mà sự kiện chấm dứt hiệu lực của mã số thuế là do lỗi từ phía cơ quan thuế.

Mở lại mã số thuế
Mở lại mã số thuế

Bước 2: Doanh nghiệp gửi công văn xin mở lại mã số thuế tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Hồ sơ khôi phục mã số thuế của người nộp thuế được quy định tại khoản 1 Điều 18 Thông tư 105/2020/TT-BTC như sau:

+ Văn bản đề nghị khôi phục mã số thuế mẫu số 25/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư 105/2020/TT-BTC;

+ Bản sao văn bản hủy bỏ văn bản thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép tương đương của cơ quan có thẩm quyền.

– Sau khi cơ quan thuế có Thông báo về việc người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký theo quy định tại Điều 17 Thông tư 105/2020/TT-BTC nhưng chưa bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép tương đương và chưa bị chấm dứt hiệu lực mã số thuế thì người nộp thuế nộp Văn bản đề nghị khôi phục mã số thuế mẫu số 25/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư 105/2020/TT-BTC đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước ngày cơ quan thuế ban hành Thông báo về việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế theo quy định.

– Người nộp thuế quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 105/2020/TT-BTC khi có nhu cầu tiếp tục hoạt động kinh doanh sau khi đã nộp hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế gửi đến cơ quan thuế nhưng cơ quan thuế chưa ban hành Thông báo về việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế thì người nộp thuế nộp Văn bản đề nghị khôi phục mã số thuế mẫu số 25/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư 105/2020/TT-BTC đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước ngày cơ quan thuế ban hành Thông báo về việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế.

– Người nộp thuế đã nộp hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế do chia, hợp nhất, sáp nhập đến cơ quan thuế sau đó có văn bản hủy Quyết định chia, hợp đồng sáp nhập, hợp đồng hợp nhất và cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký hợp tác xã chưa chấm dứt hoạt động đối với doanh nghiệp, hợp tác xã bị chia, bị sáp nhập, bị hợp nhất thì người nộp thuế nộp hồ sơ đề nghị khôi phục mã số thuế đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước ngày cơ quan thuế ban hành Thông báo chấm dứt hiệu lực mã số thuế theo quy định tại Điều 16 Thông tư 105/2020/TT-BTC.

Hồ sơ gồm:

  • Văn bản đề nghị khôi phục mã số thuế mẫu số 25/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư 105/2020/TT-BTC.
  • Bản sao văn bản hủy bỏ Quyết định chia, Hợp đồng sáp nhập, Hợp đồng hợp nhất.

Người nộp thuế phải hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế, hóa đơn theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định 126/2020/NĐ-CP.

Bước 3: Thực hiện nghĩa vụ khắc phục các hành vi vi phạm dẫn đến tình trạng bị đóng mã số thuế.

+ Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của doanh nghiệp gửi đến cơ quan thuế, cơ quan thuế có trách nhiệm lập danh sách các hồ sơ khai thuế còn thiếu, tình hình sử dụng hóa đơn, số tiền thuế còn nợ là bao nhiêu, số tiền phạt phải nộp là bao nhiêu, số tiền chậm nộp (nếu có phát sinh) và thực hiện việc xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về thuế và hóa đơn theo quy định của pháp luật.

+ Cơ quan thuế tiến hành việc xác minh thực tế tại địa chỉ trụ sở chính của công ty (doanh nghiệp) và lập biên bản xác minh tình trạng hoạt động của doanh nghiệp tại địa chỉ đã đăng ký theo hồ sơ đề nghị khôi phục mã số thuế của doanh nghiệp (khi tiến hành xác minh tại doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải ký xác nhận vào biên bản). Doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ tất cả các nghĩa vụ thuế theo yêu cầu của cơ quan thuế căn cứ theo các quy định của pháp luật.

Thủ tục đóng mã số thuế
Thủ tục đóng mã số thuế

+ Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày doanh nghiệp chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ tương ứng với phần vi phạm của mình, doanh nghiệp nộp đủ số tiền thuế còn nợ, số tiền phạt, tiền chậm nộp (nếu có), cơ quan thuế lập thông báo khôi phục mã số thuế gửi cho doanh nghiệp đồng thời cơ quan thuế thực hiện việc cập nhật trạng thái mã số thuế của người nộp thuế trên hệ thống ứng dụng đăng ký thuế.

Đối với doanh nghiệp muốn đóng mã số thuế

Mục đích của đơn xin đóng mã số thuế doanh nghiệp: khi các doanh nghiệp muốn giải thể hoặc bị Tòa án thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đại diện doanh nghiệp sẽ gửi mẫu đơn đến cơ quan quản lý thuế nhằm đề nghị cơ quan quản lý thuế đóng mã số thuế của doanh nghiệp mình.

– Đối với trường hợp doanh nghiệp tự giải thể, hồ sơ gồm:

  • Quyết định giải thể;
  • Biên bản họp;
  • Văn bản xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan nếu doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu.

– Đối với trường hợp giải thể trong trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quyết định của Tòa án, hồ sơ gồm:

  • Quyết định giải thể
  • Bản sao Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định của Tòa án có hiệu lực
  • Văn bản xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan nếu doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu.

Trình tự đóng mã số thuế

  • Bước 1: Doanh nghiệp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo quy định của pháp luật về hóa đơn
  • Bước 2: Người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế
  • Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ đóng mã số thuế
  • Bước 4: Nộp hồ sơ giải thể đến cơ quan tiếp nhận và xử lí hồ sơ giải thể
  • Bước 5: Cơ quan thuế tiếp nhận và xử lí hồ sơ đóng mã số thuế

Trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thuế nhận được hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế của công ty, cơ quan thuế phải thực hiện việc Thông báo cho công ty ngừng hoạt động và đang làm thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế mẫu số 17/TB-ĐKT ban hành kèm theo Thông tư này gửi cho công ty. Đồng thời chuyển trạng thái của công ty và các đơn vị trực thuộc của công ty về trạng thái “NNT ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế” trên Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế.

Trên đây là thông tin giúp giải đáp các vấn đề về đóng mã số thuế mà Tam Khoa đã tổng hợp lại và mang đến cho bạn. Tam Khoa cung cấp giải pháp phần mềm thông minh giúp bạn hạch toán và thực hiện các nghiệp vụ kế toán vô cùng chính xác, tiện lợi. Giúp bạn tiết kiệm đến 90% công tác nhập liệu và 80% thời gian làm việc của kế toán viên, hỗ trợ thực hiện các nghiệp vụ kế toán hiệu quả hơn.

Nếu còn có thắc mắc nào khác hay vấn đề cần được hỗ trợ tư vấn và giải đáp, hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được tư vấn miễn phí ngay nhé.