Chuyên viên pháp lý Văn Thanh
Có phải từ năm 2023 sẽ bãi bỏ nhiều loại bảo hiểm bắt buộc hay không? Cụ thể là như thế nào?
Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, từ ngày 01/01/2023 bãi bỏ nhiều loại bảo hiểm bắt buộc; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm để phù hợp với thực tiễn, giải quyết những vướng mắc trong thời gian qua. Cụ thể như sau:
1. Bãi bỏ nhiều loại bảo hiểm bắt buộc
Theo khoản 2 Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, bãi bỏ các loại bảo hiểm bắt buộc như: bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không đối với hành khách; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
Theo quy định mới của Luật kinh doanh bảo hiểm 2022, bảo hiểm bắt buộc bao gồm:
– Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
– Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
– Bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
– Bảo hiểm bắt buộc quy định tại luật khác đáp ứng yêu cầu là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội.
2. Sửa đổi quy định liên quan đến doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm
(i) Về cấp giấy phép thành lập và hoạt động: Sửa đổi, bổ sung điều kiện cấp phép thành lập và hoạt động nhằm thu hút thêm nhà đầu tư mới theo hướng cho phép các tập đoàn tài chính, bảo hiểm được thành lập doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam.
(ii) Về tổ chức hoạt động: Bãi bỏ quy định phải chấp thuận đối với đóng, mở, thay đổi địa điểm đặt chi nhánh, văn phòng đại diện và thay bằng hình thức thông báo Bộ Tài chính trước khi có thay đổi,… nhằm cắt giảm thủ tục hành chính. Bổ sung quy định cơ cấu tổ chức quản lý của doanh nghiệp bảo hiểm, người quản lý,người kiểm soát của doanh nghiệp bảo hiểm; các nguyên tắc phân công, đảm nhiệm chức vụ nhằm tránh kiêm nhiệm nhiều, miễn nhiệm, bãi nhiệm, đình chỉ, tạm đình chỉ chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên/Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc/Giám đốc, Chuyên gia tính toán nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của bên mua bảo hiểm.
(iii) Về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro: Bổ sung các quy định về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, phù hợp với tính chất hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhằm bảo đảm tuân thủ pháp luật, phòng ngừa, phát hiện, kiểm soát và giảm thiểu rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm.
(iv) Về hoạt động nghiệp vụ: Quy định cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong việc thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm và chỉ phải đăng ký với Bộ Tài chính phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới (trừ bảo hiểm bắt buộc); bổ sung quy định về hoạt động thuê ngoài.
(v) Về các biện pháp can thiệp: Bổ sung quy định về an toàn tài chính, trong trường hợp tỷ lệ an toàn vốn ở mức phải áp dụng biện pháp can thiệp, biện pháp cải thiện sớm, biện pháp kiểm soát, quy định trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ sở hữu, thành viên góp vốn, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, ….
(vi) Về công khai thông tin: Bổ sung yêu cầu công khai thông tin định kỳ, công khai thông tin thường xuyên; công khai thông tin bất thường để đảm bảo thông tin về doanh nghiệp bảo hiểm rõ ràng, minh bạch.
(vii) Về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm: Bổ sung nguyên tắc, yêu cầu, đối tượng và hình thức cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng để phù hợp với xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
3. Bổ sung quy định về bảo hiểm vi mô
Bổ sung quy định về sản phẩm, tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô để tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển bảo hiểm vi mô.
4. Sửa quy định về tài chính, hạch toán kế toán và báo cáo
(i) Về vốn: chuyển sang áp dụng mô hình vốn trên cơ sở rủi ro, phân loại rõ ràng từng loại vốn, yêu cầu doanh nghiệp luôn duy trì tỷ lệ an toàn vốn nhằm đảm bảo vốn tương ứng với quy mô và mức độ rủi ro của các nhóm rủi ro cơ bản.
(ii) Về hoạt động đầu tư: Bãi bỏ quy định về danh mục đầu tư do áp dụng mô hình vốn tương ứng với quy mô và mức độ rủi ro; bổ sung quy định về các nguồn vốn đầu tư, nguyên tắc đầu tư, đầu tư ra nước ngoài,… nhằm đảm bảo an toàn, phù hợp với tính chất hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
(iii) Về kiểm toán độc lập: Bổ sung quy định phải có ý kiến xác nhận của kiểm toán độc lập hàng năm đối với Báo cáo đánh giá khả năng thanh toán và quản trị rủi ro; quy định về trách nhiệm của tổ chức kiểm toán độc lập.
(iv) Về khả năng thanh toán: Bãi bỏ quy định về biên khả năng thanh toán theo mô hình Biên khả năng thanh toán 1, thay thế bằng quy định tỷ lệ an toàn vốn theo hướng dẫn của Bộ Tài chính phù hợp với mô hình vốn tương ứng quy mô và mức độ rủi ro.