Đến kì báo cáo thuế kế toán có thể bị vướng mắc bởi các thủ tục giấy tờ vì có quá nhiều thông tư, nghị định chính sách mới cập nhật.

Đôi lúc trong đầu luôn thắc mắc báo cáo thuế cần nộp gì? Cần chuẩn bị gì để tránh gặp phải sai sót?

Đây sẽ là câu trả lời cho các bạn!

Khi báo cáo thuế và phát hành hóa đơn, kế toán nên đặc biệt chú ý các thủ tục, giấy tờ này mà đa số các doanh nghiệp hiện nay đều cần có.

kt26

Hồ sơ khai thuế GTGT

Đối với doanh nghiệp kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, hồ sơ khai thuế hằng tháng hoặc hằng quý bao gồm các chứng từ sau:

– Tờ khai thuế GTGT theo mẫu số 01/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 26/2015/TT-BTC
– Bảng kê số thuế GTGT vãng lai đã nộp (nếu có) theo mẫu số 01-5/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số156/2013/TT-BTC
– Bảng phân bổ số thuế GTGT cho các Chi nhánh hạch toán phụ thuộc (nếu có) theo 01-6/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC
– Bảng phân bổ số thuế GTGT phải nộp cho các địa phương nơi có công trình xây dựng, lắp đặt liên tỉnh (nếu có) theo mẫu số 01-7/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 26/2015/TT-BTC

Đối với doanh nghiệp kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu, hồ sơ chỉ bao gồm:

– Tờ khai thuế giá trị gia tăng theo mẫu số 04/GTGT ban hành kèm theoThông tư số 156/2013/TT-BTC
Hạn nộp hồ sơ là ngày thứ 20 của tháng sau (đối với doanh nghiệp kê khai thuế theo tháng) hoặc ngày thứ 30 của quý sau (nếu kê khai thuế theo quý)

Hồ sơ thông báo phát hành hóa đơn

Thông báo phát hành hóa đơn do doanh nghiệp lập theo Mẫu TB01/AC ban hành kèm theo Thông tư số26/2015/TT-BTC. Thông báo này phải nộp cho cơ quan Thuế trước 5 ngày tính đến ngày dự kiến sử dụng Hóa đơn và trong vòng 10 ngày kể từ ngày ký Thông báo.

Ví dụ: Ngày ký thông báo là ngày 1 thì Thông báo này phải nộp cho cơ quan Thuế không trễ hơn ngày 10. Và nếu ngày nộp Thông báo cho cơ quan Thuế là ngày 7 thì hóa đơn chỉ được phép sử dụng kể từ sau ngày 12.

Hồ sơ thông báo phát hành hóa đơn nộp cho cơ quan Thuế bao gồm các giấy tờ sau:

– Thông báo phát hành hóa đơn theo Mẫu TB01/AC ban hành kèm theo Thông tư số 26/2015/TT-BTC.
– Hoá đơn mẫu (đối với trường hợp thông báo phát hành lần đầu và các lần tiếp theo nếu có sự thay đổi về nội dung và hình thức hóa đơn phát hành).

Khi dời trụ sở dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý trực tiếp, doanh nghiệp nộp cho cơ quan thuế nơi chuyển đi “Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn” và cho cơ quan thuế nơi chuyển đến các giấy tờ sau:

– Thông báo phát hành hóa đơn;
– Bảng kê hóa đơn chưa sử dụng theo Mẫu 3.10 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC

Gia hạn nộp thuế:

Trường hợp doanh nghiệp hoặc cá nhân thuộc diện được gia hạn nộp thuế thì hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:

+ Văn bản đề nghị gia hạn nộp thuế (tất cả các trường hợp gia hạn)
+ Tài liệu liên quan theo từng trường hợp cụ thể:

I. Đối với trường hợp bị thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ thì phải có:

– Biên bản kiểm kê, đánh giá giá trị vật chất thiệt hại do người nộp thuế hoặc người đại diện hợp pháp của người nộp thuế lập;
– Văn bản xác nhận về việc người nộp thuế có thiệt hại tại nơi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ và thời gian xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ của một trong các cơ quan, tổ chức sau: cơ quan công an; UBND cấp xã, phường; Ban quản lý Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế nơi xảy ra thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc tổ chức cứu hộ, cứu nạn;
– Hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường (bản sao có công chứng hoặc chứng thực nếu có); hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường (bản sao có công chứng hoặc chứng thực nếu có). Đối với người nộp thuế là pháp nhân thì các tài liệu nêu trên phải là bản chính hoặc bản sao có chữ ký của người đại diện theo pháp luật, đóng dấu của đơn vị.

II. Đối với trường hợp phải ngừng hoạt động do di dời cơ sở sản xuất kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

– Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế;
– Đề án di dời, kế hoạch và tiến độ thực hiện di dời của người nộp thuế;
– Tài liệu chứng minh người nộp thuế ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó xác định rõ thời điểm bắt đầu ngừng sản xuất kinh doanh, chi phí di dời, thiệt hại do di dời, ngừng sản xuất kinh doanh gây ra (nếu có).

III. Đối với trường hợp khó khăn đặc biệt khác:

– Văn bản của cơ quan thuế quản lý trực tiếp gửi cơ quan thuế cấp trên, trong đó: xácnhận khó khăn đặc biệt và những nguyên nhân gây ra khó khăn đó mà người nộp thuế không có khả năng nộp đúng hạn số tiền thuế nợ theo đề nghị, giải trình của người nộp thuế tại văn bản đề nghị gia hạn;
– Bản sao các văn bản về gia hạn, xoá nợ, miễn thuế, giảm thuế đối với người nộp thuế của cơ quan thuế ban hành trong thời gian hai (02) năm trước đó (nếu có);
– Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của người nộp thuế khi thực hiện quyết định (nếu có)

Xin miễn tiền chậm nộp:

Trường hợp doanh nghiệp/cá nhân gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo hoặc trường hợp bất khả kháng khác nếu có phát sinh tiền chậm nộp thuế thì nộp hồ sơ trong vòng 60 ngày kể từ ngày phát sinh sự kiện. Thành phần hồ sơ gồm có:

I. Trường hợp (1) Không tính tiền chậm nộp tiền thuế,hồ sơ gồm:

– Văn bản xác nhận của đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nướcvề việc người nộp thuế chưa được thanh toán theo mẫu số 01/TCN ban hành kèm theo Thông tư số 26/2015/TT-BTC;
– Thông báo về việc nộp tiền vào NSNN theo Mẫu số 02/TCN ban hành kèm theo Thông tư số 26/2015/TT-BTC.

II. Trường hợp (2) Miễn tiền chậm nộp tiền thuế, hồ sơ gồm:

– Văn bản đề nghị miễn tiền chậm nộp của người nộp thuế, trong đó có các nội dung chủ yếu sau: tên, mã số thuế, địa chỉ của người nộp thuế; căn cứ đề nghị xử lý miễn tiền chậm nộp; số tiền chậm nộp đề nghị miễn;
– Tùy từng trường hợp, hồ sơ đề nghị miễn tiền chậm nộp phải có các tài liệu sau:

1. Trường hợp do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ, dịch bệnh, phải có:

– Biên bản xác định mức độ, giá trị thiệt hại về tài sản của cơ quan có thẩm quyền như Hội đồng định giá do Sở Tài chính thành lập, hoặc các công ty định giá chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ định giá theo hợp đồng, hoặc Trung tâm định giá của Sở Tài chính;
– Văn bản xác nhận về việc người nộp thuế có thiệt hại tại nơi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ và thời điểm xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, dịch bệnh của một trong các cơ quan, tổ chức sau: công an cấp xã, phường hoặc UBND cấp xã, phường, Ban quản lý Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế nơi xảy ra thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc tổ chức cứu hộ, cứu nạn;
– Hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường (nếu có);
– Hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường (nếu có).

2. Trường hợp cá nhân bị bệnh hiểm nghèo thì phải có xác nhận đã khám chữa bệnh trên sổ y bạ, thời điểm xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh được thành lập theo quy định của pháp luật; chi phí khám, chữa bệnh có đầy đủ chứng từ theo quy định; hồ sơ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh của cơ quan bảo hiểm (nếu có).

3. Trường hợp bất khả kháng phải có tài liệu chứng minh nguyên nhân gây ra là do khách quan, bản thân người nộp thuế đã áp dụng hết các biện pháp nhưng không ngăn chặn được thiệt hại hoặc làm cho kết quả sản xuất kinh doanh lỗ.

Hiện có 42 bệnh được Bộ Tài chính công nhận là “bệnh hiểm nghèo” theo Công văn số 6383/BTC-TCT ngày 18/5/2015 làm cơ sở để xét miễn, giảm thuế TNCN.

Khai thuế đối với hãng vận tải nước ngoài

Đối tượng kê khai là các tổ chức làm đại lý tàu biển hoặc đại lý giao nhận vận chuyển hàng hóa cho các hãng vận tải nước ngoài, gọi chung là đại lý của hãng vận tải. Các Đại lý này chịu trách nhiệm kê khai và nộp thuế thay cho các hãng vận tải mà mình nhận làm đại lý.

Hồ sơ khai thuế đối với hãng vận tải nước ngoài được nộp cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp bên đại lý của hãng vận tải.

Thành phần hồ sơ:

– Tờ khai thuế đối với hãng vận tải nước ngoài theo Mẫu số 01/VTNN ban hành kèm theo Thông tư số156/2013/TT-BTC.
– Bảng kê thu nhập vận tải quốc tế dành cho trường hợp doanh nghiệp khai thác tàu theo mẫu số 01-1/VTNN;
– Bảng kê thu nhập vận tải quốc tế dành cho trường hợp hoán đổi/chia chỗ theo mẫu số 01-2/VTNN;
– Bảng kê doanh thu lưu công-ten-nơ theo mẫu số 01-3/VTNN.

Các mẫu bảng kê trên được ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC hoặc tham khảo file đính kèm tại Quyết định số 1863/QĐ-BTC ngày 14/9/2015.

Miễn thuế, giảm thuế theo Hiệp định đối với hãng vận tải nước ngoài

Trường hợp hãng vận tải nước ngoài hoặc đại lý của hãng vận tải nước ngoài thuộc diện được miễn thuế, giảm thuế do áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì phải gởi hồ sơ thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định gồm các chứng từ sau:

– Thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định theo mẫu số 01/HTQT ban hành kèm theo Thông tư số156/2013/TT-BTC;
– Bản gốc (hoặc bản chụp đã được chứng thực) Giấy chứng nhận cư trú do Cơ quan thuế của nước, vùng lãnh thổ nơi hãng tàu nước ngoài cư trú cấp cho năm tính thuế ngay trước năm thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định đã được hợp pháp hóa lãnh sự.

Trường hợp hãng vận tải nước ngoài hoặc đại lý của hãng vận tải nước ngoài ủy quyền cho đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục áp dụng Hiệp định phải nộp thêm bản gốc giấy ủy quyền.

Kết thúc năm, hãng vận tải nước ngoài hoặc đại lý của hãng vận tải nước ngoài gửi cơ quan thuế Giấy chứng nhận cư trú đã được hợp pháp hóa lãnh sự của hãng tàu cho năm đó.

Trường hợp năm trước đó đã thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định, thì các năm tiếp theo, hãng vận tải nước ngoài hoặc đại lý của hãng vận tải nước ngoài chỉ cần thông báo bất kỳ sự thay đổi nào về các thông tin đã thông báo tại mẫu số 01/HTQT của năm trước đó và cung cấp các tài liệu tương ứng với việc thay đổi.

Trường hợp các hãng vận tải nước ngoài có các đại lý tại nhiều địa phương ở Việt Nam hoặc các đại lý của hãng vận tải nước ngoài có các chi nhánh hoặc văn phòng đại diện (sau đây gọi chung là chi nhánh) tại nhiều địa phương ở Việt Nam thì các hãng vận tải nước ngoài hoặc đại lý của hãng vận tải nước ngoài nộp bản gốc (hoặc bản chụp đã được chứng thực) Giấy chứng nhận cư trú đã hợp pháp hóa lãnh sự cho Cục Thuế địa phương nơi đại lý của hãng vận tải nước ngoài có trụ sở chính; gửi bản chụp Giấy chứng nhận cư trú đã hợp pháp hóa lãnh sự tại các Cục Thuế địa phương nơi hãng vận tải nước ngoài có chi nhánh và ghi rõ nơi đã nộp bản gốc (hoặc bản chụp đã được chứng thực) trong Thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định.

(Theo Luatvietnam)