1. Phương thức nhập khẩu trực tiếp là gì?
Là hình thức hoạt động của các doanh nghiệp nhập khẩu có đủ khả năng tổ chức giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng; Tổ chức quá trình nhập khẩu vật tư, hàng hóa, tài sản cố định,… và tự cân đối tài chính cho thương vụ đã ký kết. Doanh nghiệp tiến hành nhập khẩu trực tiếp có quyền tìm kiếm bạn hàng, định đoạt giá cả, lựa chọn phương thức thanh toán trong khuôn khổ chính sách quản lý nhập khẩu của Nhà nước. Do đó, tham gia vào hình thức này thường là các doanh nghiệp nhập khẩu có uy tín và có đội ngũ nhân viên có chuyên môn cao.
2. Chứng từ sử dụng và tài khoản sử dụng
2.1. Chứng từ sử dụng
Để tiến hành hạch toán kế toán khi nhập khẩu, doanh nghiệp cần có đủ bộ chứng từ thanh toán sau đây: Hợp đồng nhập khẩu; Hóa đơn thương mại (Invoice) do người bán (Nước ngoài) xuất; Phiếu đóng gói hàng hóa (Packing List) do người bán (Nước ngoài) xuất; Vận đơn (Bill of Lading – B/L) do bên vận chuyển tàu biển cấp hoặc (Bill of air – B/A) do bên vận chuyển máy bay cấp; Chứng từ bảo hiểm (Insurance policy); Giấy chứng nhận phẩm chất (Certificate quality) do Vinacontrol cấp; Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Certificate of Original); Giấy chứng nhận kiểm dịch đối với hàng nông sản, thực phẩm; Các tài liệu khác kèm theo như biên bản quyết toán với bên vận chuyển, biên bản hư hỏng, tổn thất (Nếu có); Tờ khai hải quan; Biên lai thu thuế; Phiếu nhập kho và các chứng từ thanh toán khác,…
2.2. Tài khoản sử dụng
Nghiệp vụ kế toán nhập khẩu khẩu vật tư, hàng hóa, TSCĐ trong các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu sử dụng các tài khoản chủ yếu như sau:
– TK 151, 152, 153, 156 (TK 1561, 1562), 211: Phản ánh trị giá số hàng nhập khẩu của doanh nghiệp.
– TK 331 – Phải trả cho người bán: Phản ánh số tiền hàng mà doanh nghiệp phải thanh toán cho bên nước ngoài (Thanh toán bằng ngoại tệ) và phải thanh toán cho các khoản chi phí, dịch vụ phát sinh trong nước.
– TK 244 – Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược: Phản ánh số tiền ký quỹ mở L/C.
– TK 635 – Chi phí tài chính: Phản ánh lỗ tỷ giá (Nếu có).
– TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính: Phản ánh lãi tỷ giá (Nếu có).
– Các tài khoản phản ánh số thuế phải nộp như:
+ TK 33312: Thuế GTGT hàng nhập khẩu.
+ TK 3332: Thuế tiêu thụ đặc biệt.
+ TK 3333: Thuế xuất, nhập khẩu.
+ TK 33381: Thuế bảo vệ môi trường.
+ Và một số TK khác như: 111, 112, 1112, 1122,…
3. Phương pháp hạch toán
– Doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa thường sử dụng phương pháp nhập khẩu theo giá CIF và thanh toán theo phương thức mở “Thư tín dụng” (L/C). Doanh nghiệp phải sử dụng tỷ giá hối đoái thực tế để hạch toán các chỉ tiêu ngoại tệ.
– Nhập khẩu trực tiếp vật tư, hàng hóa, TSCĐ bắt đầu thực hiện bằng nghiệp vụ mở thư tín dụng (L/C) theo hợp đồng thương mại đã ký kết. Tiến trình mở do ngân hàng của bên nhập khẩu thực hiện trên cơ sở kiểm tra mức phù hợp của chứng từ với L/C cần mở. Ngân hàng mở L/C yêu cầu doanh nghiệp phải ký quỹ một tỷ lệ nhất định theo trị giá tiền mở L/C.
3.1. Phản ánh số tiền ký quỹ
Số tiền ký quỹ được theo dõi trên TK 244: Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược.
* Nếu doanh nghiệp có ngoại tệ tiền gửi ngân hàng mở L/C thì căn cứ vào số tiền ký quỹ, ghi:
Nợ TK 244 – Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược: Số tiền ký quỹ theo tỷ giá hối đoái thực tế
Nợ TK 635: Chi phí tài chính (Nếu lỗ tỷ giá)
Có TK 112 – Tiền gửi ngân hàng (TK 1122): Số ngoại tệ dùng ký quỹ theo tỷ giá ghi sổ
Có TK 515: Doanh thu hoạt động tài chính (Nếu lãi tỷ giá)
* Nếu doanh nghiệp phải đi vay ngân hàng để mở L/C thì kế toán căn cứ vào số tiền ký quỹ, ghi:
Nợ TK 244 – Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược: Số tiền ký quỹ theo tỷ giá hối đoái thực tế
Có TK 341 – Vay và nợ thuê tài chính (TK 3411): Số ngoại tệ vay theo tỷ giá thực tế
3.2. Khi hàng nhập khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan
* Phản ánh giá mua thực tế của hàng nhập khẩu, ghi:
Nợ các TK 152, 153, 156, 211: Trị giá mua thực tế của hàng nhập khẩu tính theo tỷ giá hối đoái thực tế đã kiểm nhận, nhập kho
Nợ TK 157: Trị giá mua thực tế của hàng nhập khẩu đã kiểm nhận chuyển đi tiêu thụ theo phương thức chuyển hàng, chờ chấp nhận hay ký gửi đại lý tính theo tỷ giá hối đoái thực tế
Nợ TK 151: Trị giá mua thực tế của hàng nhập khẩu đang đi đường cuối kỳ tính theo tỷ giá hối đoái thực tế
Nợ TK 632: Trị giá mua thực tế của hàng nhập khẩu đã tiêu thụ trực tiếp trong kỳ tính theo tỷ giá hối đoái thực tế
Có TK 331: Giá mua hàng nhập khẩu theo tỷ giá hối đoái thực tế
Có TK 244: Giá mua hàng nhập khẩu theo tỷ giá hối đoái ghi nhận lúc ký quỹ
Có TK 112 (TK 1122): Giá mua hàng nhập khẩu theo tỷ giá ghi sổ
Có TK 341 (TK 3411): Giá mua hàng nhập khẩu theo tỷ giá thực tế nhận nợ vay
Có TK 515: Lãi về tỷ giá hoặc Nợ TK 635 (Lỗ về tỷ giá)
* Phản ánh số thuế nhập khẩu phải nộp theo thông báo thuế, ghi:
Nợ các TK 151, 152, 153, 156, 157, 211, 632 : Tính vào trị giá của hàng nhập khẩu
Có TK 333 (TK 3333): Thuế nhập khẩu phải nộp
* Phản ánh số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp theo thông báo, ghi:
Nợ các TK 151, 152, 153, 156, 157, 211, 632 : Tính vào trị giá của hàng nhập khẩu
Có TK 333 (TK 3332): Thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp
* Phản ánh số thuế bảo vệ môi trường phải nộp theo thông báo, ghi:
Nợ các TK 151, 152, 153, 156, 157, 211, 632 : Tính vào trị giá của hàng nhập khẩu
Có TK 333 (TK 33381): Thuế bảo vệ môi trường phải nộp
* Phản ánh số thuế GTGT phải nộp của hàng nhập khẩu:
– Nếu doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, ghi:
Nợ TK 133 (TK 1331, 1332): Số thuế GTGT được khấu trừ
Có TK 3331 (TK 33312): Số thuế GTGT phải nộp
– Nếu doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp, ghi:
Nợ các TK 151, 152, 153, 156, 157, 211, 632 : Tính vào giá mua của hàng nhập khẩu
Có TK 3331 (TK 33312): Số thuế GTGT phải nộp
* Khi nộp thuế nhập khẩu, thuế TTĐB, thuế bảo vệ môi trường và thuế GTGT hàng nhập khẩu, ghi:
Nợ TK 333 (TK 33312, 3332, 3333, 33381): Số thuế đã nộp
Có các TK 111, 112,…
* Đối với các chi phí liên quan đến hàng nhập khẩu:
– Nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi:
Nợ các TK 151, 152, 153, 156, 157, 211 (Giá phí chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 133: Thuế GTGT được khấu trừ
Có các TK 111, 112, 331,…
– Nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, ghi:
Nợ các TK 151, 152, 153, 156, 157, 211 (Giá phí bao gồm thuế GTGT)
Có các TK 111, 112, 331,…
* Trường hợp các chi phí liên quan đến hàng nhập khẩu được chi bằng ngoại tệ:
– Nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi:
Nợ các TK 151, 152, 153, 156, 157, 211 (Giá phí chưa có thuế GTGT: Tính theo tỷ giá thực tế)
Nợ TK 133: Thuế GTGT được khấu trừ
Có các TK 1112, 1122: Tổng giá thanh toán theo tỷ giá ghi sổ
Có TK 515: Lãi về tỷ giá hoặc Nợ TK 635: Lỗ về tỷ giá
– Nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, ghi:
Nợ các TK 151, 152,153, 156, 157, 211 (Giá phí bao gồm thuế GTGT: Tính theo tỷ giá thực tế)
Có các TK 1112, 1122: Tổng giá thanh toán theo tỷ giá ghi sổ
Có TK 515: Lãi về tỷ giá hoặc Nợ TK 635: Lỗ về tỷ giá
* Khi thanh toán nợ phải trả cho người bán (Bên Nợ TK 331) bằng ngoại tệ, kế toán phải quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá ghi sổ thực tế:
– Khi thanh toán các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ; Nếu tỷ giá trên sổ kế toán các Tài khoản nợ phải trả nhỏ hơn tỷ giá trên Sổ kế toán TK 1112, 1122, ghi:
Nợ TK 331 – Phải trả cho người bán (tỷ giá ghi sổ kế toán)
Nợ TK 635 Chi phí tài chính (Lỗ tỷ giá)
Có các TK 1112, 1122 (Theo tỷ giá trên Sổ kế toán hoặc tỷ giá mua ngoại tệ của ngân hàng).
– Khi thanh toán nợ phải trả bằng ngoại tệ, nếu tỷ giá trên Sổ kế toán các tài khoản nợ phải trả lớn hơn tỷ giá trên Sổ kế toán TK 1112, 1122, ghi:
Nợ TK 331: Phải trả cho người bán (Tỷ giá ghi Sổ kế toán)
Có TK 515: Doanh thu hoạt động tài chính (Lãi tỷ giá)
Có các TK 1112, 1122 (Theo tỷ giá trên Sổ kế toán hoặc tỷ giá mua ngoại tệ của ngân hàng).
Nguồn: Bùi Thúy Hà