Ngày 19/3/2019, Bộ Ngoại giao có Thông báo số 11/2019/TB-LPQT về việc Điều ước quốc tế có hiệu lực. Theo đó, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Cam-pu-chia, ký tại Hà Nội ngày 31/3/2018, có hiệu lực từ ngày 20/02/2019.
Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam – Cam-pu-chia có những bước phát triển toàn diện, hợp tác kinh tế giữa hai nước đã và đang phát triển ngày càng mạnh mẽ. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Cam-pu-chia trong số hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với nước này. Năm 2017, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – Cam-pu-chia đạt 3,9 tỷ USD, tăng 33% so với năm 2016. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Cam-pu-chia đạt 2,8 tỷ USD, tăng 26,2%; kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Cam-pu-chia đạt khoảng 1,1 tỷ USD, tăng gần 41% so với năm 2016. Hai bên đang phấn đấu để nâng kim ngạch song phương lên 5 tỷ USD trong những năm tới. Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn là nước có lượng du khách lớn nhất tại Cam-pu-chia. Khách du lịch Việt Nam đến Cam-pu-chia năm 2016 đạt 960.000 lượt người, chiếm 19% tổng lượng khách quốc tế đến Cam-pu-chia. Năm 2016, khách Cam-pu-chia đến Việt Nam đạt 212.000 lượt người, đứng thứ 13 trong các thị trường gửi khách đến Việt Nam. Các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam tại Cam-pu-chia được Lãnh đạo Cam-pu-chia đánh giá rất cao, đã đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội và sự phát triển thịnh vượng của Vương quốc Cam-pu-chia.
Đến nay, Việt Nam có 190 dự án đầu tư sang Cam-pu-chia, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 2,89 tỷ USD tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp. Tính đến ngày 20/3/2019, Cam-pu-chia có 19 dự án với tổng số vốn đầu tư là 62,67 triệu USD, đứng thứ 56 trong 131 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, và đứng thứ 8 trong số các nước ASEAN đầu tư vào Việt Nam (số liệu trên website của Bộ KHĐT). Do đó, Việt Nam sẽ là nước cư trú (nước đầu tư) trong quan hệ với Cam-pu-chia hay Cam-pu-chia sẽ là nước nguồn (nước nhận đầu tư) trong quan hệ với Việt Nam.
Liên quan đến tình hình hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng giữa Việt Nam và Cam-pu-chia, hiện nay có 5 ngân hàng của Việt Nam hoạt động tại Cam-pu-chia là BIDC (công ty con của BIDV), Ngân hàng Sài gòn Thương Tín (Sacombank), Agribank, Ngân hàng Quân đội (MB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) với 15 chi nhánh và doanh số khoảng 1 tỉ USD. Hoạt động hợp tác tài chính – ngân hàng giữa hai nước phát triển nhanh về quy mô, phạm vi, sản phẩm, dịch vụ ngày càng được hiện đại hoá, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế – xã hội của mỗi nước. Tại thị trường Cam-pu-chia, đối tượng khách hàng mà ngân hàng Việt Nam hướng tới là các doanh nghiệp Việt kiều, nhân viên Việt Nam đang làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các tầng lớp dân cư của hai nước.
Tại Việt Nam, có 01 chi nhánh tại Hà Nội và 01 chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Cam-pu-chia (BIDC). Về cơ bản, các chi nhánh có hoạt động kinh doanh tốt và tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam.
Với tiềm năng mở rộng xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam sang Cam-pu-chia, cũng như triển vọng đầu tư của doanh nghiệp các nước sang nước đối tác, Hiệp định thuế giữa hai nước có hiệu lực sẽ góp phần tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế và đầu tư của Việt Nam – Cam-pu-chia thông qua việc tạo ra một môi trường pháp lý về thuế rõ ràng, ổn định để các nhà đầu tư Cam-pu-chia và Việt Nam tiến hành các hoạt động kinh doanh./.