Thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân nhằm đồng bộ dữ liệu này với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tiến tới chuyển sang sử dụng mã số định danh cá nhân thay cho mã số thuế.
Tham gia nhóm Trao đổi – chia sẻ tin tức kế toán cùng chúng tôi để xem thêm nhiều tài liệu và kiến thức kế toán hay nhé.
Mã số thuế cá nhân là gì?
Mã số thuế cá nhân là một mã số do Cơ quan quản lý thuế cấp cho mỗi cá nhân đăng ký thuế khi họ thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào Ngân sách nhà nước. Mỗi cá nhân chỉ được cấp duy nhất một mã số thuế sử dụng trong suốt cuộc đời và được sử dụng để kê khai thu nhập, nộp thuế, tra cứu thông tin và quản lý thuế thu nhập cá nhân.
Căn cứ theo khoản 5 Điều 3 và Điểm a Khoản 2 Điều 30 Luật Quản lý thuế 2019 số 38/2019/QH14. Mã số thuế cá nhân là một dãy số gồm 10 chữ số, trong đó hai chữ số đầu là số phân khoảng của mã số thuế, bảy chữ số tiếp theo là số xác định được quy định theo cấu trúc tăng dần từ 0000001 đến 9999999, và chữ số cuối cùng là chữ số kiểm tra.

Lợi ích sử dụng mã số định danh làm MST
Nếu như trước đây mỗi người được cấp một số CMT hoặc CCCD rồi lại được cấp thêm mã số thuế, mã số sổ BHXH, số thẻ BHYT…thì:
+ Về phía công dân: phải ghi nhớ rất nhiều loại thông tin và kê khai các thông tin này cho các cơ quan quản lý nhà nước khác nhau.
+ Về phía cơ quan nhà nước thì quản lý độc lập và không có sự liên kết, trao đổi thông tin giữa các ngành, lĩnh vực.
Khi sử dụng thống nhất mã số định danh công dân làm mã số thuế nói riêng để giải quyết TTHC với cơ quan thuế và sử dụng mã định danh để giải quyết TTHC với các cơ quan nhà nước khác thì đương nhiên người dân chỉ cần kê khai thông tin số định danh của mình; các cơ quan quản lý nhà nước có thể trao đổi thông tin về quản lý theo ngành, lĩnh vực đối với công dân để tăng cường hiệu quả quản lý thuế nói riêng và quản lý nhà nước nói chung.
Mục tiêu rà soát, chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân
Để đảm bảo mỗi cá nhân được cấp 01 mã số thuế duy nhất để sử dụng trong suốt cuộc đời của cá nhân đó, người phụ thuộc của cá nhân được cấp mã số thuế để giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân, đề nghị người nộp thuế cập nhật đầy đủ, chính xác 03 thông tin:
– Họ và tên
– Số căn cước công dân hoặc số định danh đối với cá nhân chưa có căn cước công dân;
– Ngày, tháng, năm sinh của cá nhân.
Người nộp thuế có những cách thức nào để chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế thu nhập cá nhân?
Người nộp thuế là cá nhân có thể lựa chọn một trong ba cách sau đây để thực hiện cập nhật, thay đổi thông tin đăng ký thuế:
Cách 1: Kê khai thay đổi thông tin đăng ký thuế theo phương thức điện tử
Trường hợp người nộp thuế đăng nhập qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia:
Người nộp thuế truy cập vào Cổng Dịch vụ công Quốc gia, tìm kiếm thủ tục hành chính: “Thay đổi thông tin đăng ký thuế” hoặc truy cập vào đường dẫn: https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-chi-tiet-thu-tuc-nganh-doc.html?ma_thu_tuc=1.010244
Trường hợp người nộp thuế đăng nhập qua Cổng TTĐT của Tổng cục Thuế:
Người nộp thuế truy cập Trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế tại đường dẫn: https://thuedientu.gdt.gov.vn/ chọn tab “Cá nhân”/Đăng nhập và Nhập các thông tin tài khoản giao dịch thuế điện tử đã được cấp.

Cách 2: Kê khai thay đổi thông tin đăng ký thuế qua cơ quan chi trả thu nhập
– Người nộp thuế là cá nhân nộp hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế cho cơ quan chi trả, gồm: Văn bản ủy quyền (đối với trường hợp chưa có văn bản ủy quyền cho cơ quan chi trả thu nhập trước đó) và Bản sao các giấy tờ có thay đổi thông tin liên quan đến đăng ký thuế của cá nhân hoặc người phụ thuộc.
– Người nộp thuế là cơ quan chi trả tổng hợp thông tin của người lao động, nộp hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế với cơ quan thuế quản lý trực tiếp, thành phần hồ sơ:
+ Tờ khai Đăng ký thuế, Mẫu số 05-ĐK-TH-TCT, Mẫu 20-ĐK-TH-TCT ban hành kèm theo Thông tư 105/2020/TT-BTC để thay đổi thông tin người nộp thuế và người phụ thuộc người nộp thuế (lưu ý cập nhật đầy đủ 03 trường thông tin Họ và tên, Ngày sinh, Giấy tờ chứng thực cá nhân (cập nhật số CCCD mới nhất).
(Hướng dẫn chi tiết tại Phụ lục 2 kèm theo)
Cách 3: Kê khai thay đổi thông tin đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế
– Nơi nộp hồ sơ: Chi cục Thuế nơi cá nhân đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú (trường hợp cá nhân không làm việc tại cơ quan chi trả thu nhập).
– Thành phần hồ sơ: Tờ khai điều chỉnh, bổ sung thông tin đăng ký thuế mẫu số 08-MST ban hành kèm theo Thông tư 105/2020/TT-BTC để kê khai thay đổi thông tin đăng ký thuế của bản thân người nộp thuế.
Để đảm bảo thông tin cá nhân được chính xác, Cục Thuế TP Hà Nội khuyến nghị người nộp thuế kê khai thay đổi thông tin đăng ký thuế qua phương thức điện tử.
Kết luận
Trên đây là hướng dẫn về cách thức thực hiện chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân theo quy định cảu pháp luật mà Tam Khoa đã tổng hợp và mang đến cho bạn. Qua bài viết trên chắc hẳn bạn cũng đã nắm được các thông tin cần thiết về chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân. Hy vọng bài viết đã có thể giúp ích được nhiều cho bạn.
Tam Khoa hiện đang cung cấp các giải pháp phần mềm tự động hạch toán và phần mềm kế toán có thể tự động đọc và lấy dữ liệu từ hóa đơn điện tử có sẵn, tự động hạch toán các nghiệp vụ chỉ với 1 CLICK đồng thời tự động đồng bộ sang phần mềm kế toán để bạn dễ dàng thực hiện kết toán, lập các báo cáo tài chính và thực hiện kết chuyển số liệu cuối kỳ. Hãy liên hệ ngay cho chúng tôi trong hôm nay để được tư vấn và nhận các ưu đãi cực khủng nhé.