Liên quan đến mức thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Luật Quản lý thuế năm 2019 sửa đổi bổ sung quy định, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của DN siêu nhỏ, thì nộp thuế theo phương pháp kê khai. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Tạp chí Thuế đã có cuộc trao đổi với PGS, TS Nguyễn Thị Thanh Hoài, Phó trưởng Khoa Thuế và hải quan, Học viện Tài chính.

Tại Luật Quản lý thuế năm 2006, Chính phủ quy định các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán thuế, tuy nhiên Luật Quản lý thuế năm 2019 đã bổ sung đối tượng hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đáp ứng từ mức cao nhất trong tiêu chí về doanh thu và số lượng lao động của DN siêu nhỏ thì phải nộp thuế theo phương pháp kê khai. Bà có thể phân tích mục tiêu, ý nghĩa của quy định mới này?

Trong các thành phần kinh tế, hộ kinh doanh luôn là lực lượng đông đảo nhất của nền kinh tế Việt Nam, nhưng hoạt động còn manh mún, đóng góp vào NSNN còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận hộ kinh doanh quy mô lớn với doanh thu từ 100 tỷ đồng đến 200 tỷ đồng/năm. Thậm chí, nhiều hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực cung cấp máy móc, thiết bị công nghệ cao, sản xuất kinh doanh đồ gỗ, cung cấp dịch vụ chăm sóc sắc đẹp… với quy mô lớn đã vượt quá mô hình hộ kinh doanh. Mặc dù vậy, các chủ thể này vẫn thực hiện nghĩa vụ với NSNN theo phương pháp thuế khoán mà không thực hiện sổ sách kế toán. Việc “núp bóng” ở mô hình hộ khoán dễ dẫn đến tình trạng trốn thuế, lợi dụng hóa đơn của hộ kinh doanh để tiêu thụ hàng hóa không có xuất xứ, hợp thức hóa đầu vào cho DN để trốn thuế TNDN, gây thất thu NSNN. Do đó, quy định tại Luật Quản lý thuế sửa đổi là “hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của DN siêu nhỏ theo quy định pháp luật về hỗ trợ DN nhỏ và vừa phải thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai”, theo tôi là hợp lý, vừa tạo cơ sở pháp lý để tăng cường quản lý hộ kinh doanh, vừa đảm bảo bình đẳng và minh bạch đối với các thành phần kinh doanh khác. Đồng thời, thúc đẩy quá trình chuyển đổi hộ kinh doanh có đủ điều kiện đăng ký thành lập DN.

Nhưng về nguyên tắc, chủ cơ sở kinh doanh hoàn toàn có quyền lựa chọn mô hình là hộ kinh doanh hoặc DN. Quan điểm của bà như thế nào về vấn đề này?

Nhà nước luôn có các chính sách khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động kinh tế, từ cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh đến DN tư nhân, công ty cổ phần, để thông qua đó, các cá nhân, tổ chức vừa mang lại lợi ích kinh tế cho mình, vừa tham gia thực hiện nghĩa vụ với NSNN. Tuy nhiên, quá trình hội nhập đang đòi hỏi Việt Nam phải có một đội ngũ DN đông về số lượng, mạnh về chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Theo đó, cơ sở để xây dựng đội ngũ DN lớn mạnh đó chính là lực lượng hộ kinh doanh đông đảo hiện nay. Để thực hiện mục tiêu có ít nhất 1 triệu DN vào năm 2020 đặt ra tại Nghị quyết số 35/NQ-CP năm 2016, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định khuyến khích và tạo điều kiện hỗ trợ DN nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra về khả năng chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện, chỉ có 17,8% số DN được điều tra thực hiện đăng ký, thành lập trên cơ sở hộ kinh doanh; 11,3% hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển đổi (có quy mô từ 10 lao động trở lên) nhưng vẫn chưa thực hiện đăng ký thành lập DN. Do đó, rất cần thiết có thêm quy định pháp lý về thực hiện nghĩa vụ với NSNN nhằm đặt ra yêu cầu cụ thể đối với hộ kinh doanh đạt đủ điều kiện hoạt động như mô hình DN. Qua đó, cùng với các hoạt động tuyên truyền, các hộ kinh doanh sẽ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tự giác thực hiện nghĩa vụ với NSNN. 

Theo bà, quy định mới tại Luật Quản lý thuế phù hợp như thế nào so với thực tiễn quản lý hộ kinh doanh hiện nay?

Hiện nay, công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Vẫn còn tình trạng thất thu về đối tượng, doanh số, dẫn tới số thu thuế chưa tương xứng với tiềm lực phát triển của lĩnh vực này. Trên thực tế, có khá nhiều hộ kinh doanh quy mô lớn, nhưng nộp thuế theo phương pháp khoán, không những không đảm bảo thu thuế sát với tình hình kinh doanh, mà còn ảnh hưởng đến tính công bằng về nghĩa vụ thuế giữa các thành phần kinh tế. 

Do vậy, để hạn chế tình trạng thất thu thuế, đảm bảo xác định nghĩa vụ thuế sát hơn với tình hình kinh doanh thực tế, thì điều quan trọng là cần phân loại hộ kinh doanh để có cách thức quản lý phù hợp. Đối với hộ kinh doanh quy mô lớn, cần theo dõi tình hình kinh doanh, mở sổ sách, thực hiện chế độ kế toán và sử dụng hoá đơn chứng từ để chuyển đổi nộp thuế theo kê khai. Đối với hộ kinh doanh quy mô nhỏ, thì vẫn tiếp tục nộp thuế theo phương pháp khoán. 

Bà đánh giá như thế nào về hiệu quả của quy định mới tại Luật Quản lý thuế khi đi vào thực hiện?

Tâm lý của hộ kinh doanh luôn muốn nộp thuế theo phương pháp khoán, do vậy việc triển khai quy định này không hề đơn giản. Để có thể thực hiện hiệu quả thì Chính phủ và Bộ Tài chính cần sớm cụ thể hóa nội dung này trong nghị định và thông tư hướng dẫn Luật Quản lý thuế. 

Về phía cơ quan thuế, cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách cho các hộ kinh doanh, đặc biệt là các hộ đáp ứng yêu cầu về doanh thu, lao động thuộc đối tượng phải thực hiện chế độ kế toán và phải nộp thuế theo kê khai để họ biết và thực hiện. Ngoài ra, cơ quan thuế quan tâm hơn nữa đến công tác cung cấp thông tin pháp lý, giải đáp chính sách thuế, miễn phí lắp đặt, cài đặt phần mềm kế toán. Song song với đó, cũng cần giám sát tình hình hoạt động của hộ kinh doanh và có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các trường hợp không tuân thủ. 

Xin cảm ơn bà!

Theo Tạp Chí Thuế