Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 49/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế GTGT đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 12/2015/NĐ-CP, Nghị định số 100/2016/NĐ-CP và Nghị định số 146/2017/NĐ-CP.

Chính sách thuế GTGT phù hợp với thực tế, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

6 trường hợp được trừ giá đất khi tính thuế GTGT

Sau 4 lần sửa đổi, bổ sung (năm 2014 tại Nghị định 91/2014/NĐ-CP, năm 2015 tại Nghị định 12/2015/NĐ-CP, năm 2016 tại Nghị định 100/2016/NĐ-CP và năm 2017 tại Nghị định 146/2017/NĐ-CP), Nghị định số 209/2013/NĐ-CP đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế xã hội và đạt được mục tiêu đề ra khi ban hành.

Qua tổng kết, đánh giá tình hình triển khai chính sách thuế GTGT hiện hành cho thấy, các quy định về thuế GTGT đã tháo gỡ được những vướng mắc phát sinh trong thực tế, góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN phát triển, cải cách thủ tục hành chính và đảm bảo nguồn thu cho NSNN.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số quy định về thuế GTGT đã bộc lộ bất cập cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, nhất là việc xác định giá đất được trừ để tính thuế GTGT đối với chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, hay giá tính thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh có đầu tư cơ sở hạ tầng.

Do đó, Nghị định 49/2022/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung Khoản 3, 4 Điều 4 của Nghị định 209/2013/NĐ-CP theo hướng, đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, giá tính thuế GTGT là giá chuyển nhượng bất động sản trừ giá đất được trừ để tính thuế GTGT. Cụ thể có 6 trường hợp giá đất được trừ để tính thuế GTGT.

Một là, trường hợp được Nhà nước giao đất để đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng nhà để bán, giá đất được trừ để tính thuế GTGT bao gồm tiền sử dụng đất phải nộp NSNN theo quy định pháp luật về thu tiền sử dụng đất và tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có).

Hai là, khi đấu giá quyền sử dụng đất thì giá đất được trừ để tính thuế GTGT là giá đất trúng đấu giá.

Ba là, nếu thuê đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, thì giá đất được trừ để tính thuế GTGT là tiền thuê đất phải nộp NSNN theo quy định pháp luật về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có).

Bốn là, trường hợp cơ sở kinh doanh nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân thì giá đất được trừ để tính thuế GTGT là giá đất tại thời điểm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không bao gồm giá trị cơ sở hạ tầng. Cơ sở kinh doanh được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của cơ sở hạ tầng (nếu có).

Năm là, khi cơ sở kinh doanh nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân thì giá đất được trừ để tính thuế GTGT là giá ghi trong hợp đồng góp vốn. Trường hợp giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thấp hơn giá đất nhận góp vốn thì chỉ được trừ giá đất theo giá chuyển nhượng.

Sáu là, cơ sở kinh doanh bất động sản thực hiện theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT) thanh toán bằng giá trị quyền sử dụng đất thì giá đất được trừ để tính thuế GTGT là giá tại thời điểm ký hợp đồng BT theo quy định của pháp luật. Nếu tại thời điểm ký hợp đồng BT chưa xác định được giá, thì giá đất được trừ là giá đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định để thanh toán công trình.

Tháo gỡ vướng mắc về hoàn thuế GTGT

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 209/2013/NĐ-CP cũng phát sinh một số vướng mắc về hoàn thuế GTGT do các quy định chưa rõ, dẫn đến cách hiểu khác nhau trong thực hiện, như quy định về hoàn thuế đối với dự án đầu tư; dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; dự án tìm kiếm thăm dò và phát triển mỏ dầu khí.

Để đảm bảo chính sách thuế GTGT phù hợp với thực tế, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã sửa đổi bổ sung Khoản 2 Điều 10 Nghị định 209/2013/NĐ-CP. Theo đó, cơ sở kinh doanh được hoàn thuế đối với dự án đầu tư khi đã đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ (bao gồm cả cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư) có dự án đầu tư mới (bao gồm cả dự án đầu tư được chia thành nhiều giai đoạn đầu tư hoặc nhiều hạng mục đầu tư) tại địa bàn cùng tỉnh, thành phố, hoặc khác tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính đang trong giai đoạn đầu tư, hoặc dự án tìm kiếm thăm dò và phát triển mỏ dầu khí đang trong giai đoạn đầu tư, có số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong giai đoạn đầu tư lũy kế chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên.

Trường hợp dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh, kiểm tra, kiểm toán, thì cơ quan thuế có thể sử dụng kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để quyết định việc hoàn thuế GTGT.

Nghị định cũng quy định cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế GTGT, mà được kết chuyển số thuế chưa được khấu trừ của dự án đầu tư sang kỳ tiếp theo, khi là dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận đáp ứng điều kiện để thực hiện đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Ngoài ra, dự án đầu tư khai thác tài nguyên, khoáng sản được cấp phép từ ngày 1/72016, hoặc dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hóa mà tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên theo dự án đầu tư, cũng không được hoàn thuế GTGT, mà được kết chuyển số thuế chưa được khấu trừ sang kỳ tiếp theo.

Nghị định số 49/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 12/9/2022